Thuật ngữ "chấn thương thể thao" mô tả những loại chấn thương xảy ra trong quá trình luyện tập thể dục thể thao. Các chấn thương thể thao có thể được chia thành 2 nhóm lớn - chấn thương cấp tính và chấn thương mãn tính. Bạn cần phải phân biệt được 2 loại chấn thương này để biết cách xử lý chúng sao cho phù hợp.
Định nghĩa chấn thương cấp tính và chấn thương mãn tính
Chấn thương mãn tính
Chấn thương mãn tính là kết quả từ những vận động kéo dài, lặp đi lặp lại, đặc biệt là trong các môn thể thao sức bền như bơi lội, chạy bộ và đạp xe. Như vậy, chấn thương mãn tính thường là những tổn thương quá tải - kết quả từ việc vận động quá tải một nhóm cơ khi rèn luyện.
Một số ví dụ phổ biến về chấn thương mãn tính đó là gãy xương mệt mỏi, hội chứng tennis elbow, đau bánh chè và viêm gót chân. Nguyên nhân có thể do: tập sai kỹ thuật, hấp tấp hay quá gắng sức khi luyện tập.
Chấn thương cấp tính
Mặt khác, chấn thương cấp tính thường xảy ra đột ngột và liên quan tới những tổn thương như gãy nứt xương, rách cơ hoặc bầm tím. Chấn thương này có thể xảy ra khi bị ngã hoặc va chạm với người chơi khác.
Trong hầu hết mọi hoạt động thể thao, chấn thương thể thao mãn tính/do quá tải thường phổ biến hơn so với chấn thương cấp tính, nhưng vì những chấn thương này thường không gây ra ảnh hưởng tức thời nên ít khi được điều trị y tế hơn so những chấn thương gây tổn thương chức năng đột ngột và rõ ràng.
Phân biệt giữa chấn thương cấp tính và chấn thương mãn tính
Sự khác biệt giữa chấn thương thể thao cấp tính và mãn tính nằm ở các dấu hiệu và triệu chứng của chúng.
Dấu hiệu của chấn thương cấp tính bao gồm:
- Cảm thấy đau khi vận động
- Lúc nghỉ ngơi thì thấy đau âm ỉ
- Sưng tấy
Trái ngược với chấn thương mãn tính, các triệu chứng của chấn thương cấp tính thường xảy ra trong 2 tuần bị thương. Trong giai đoạn cấp tính, cơ thể sẽ bị viêm để giúp chữa lành các mô bị tổn thương.
Dấu hiệu của chấn thương cấp tính bao gồm:
- Cơn đau đột ngột dữ dội
- Sưng tấy
- Chi dưới không chịu đượng trọng lực
- Đau khi nhấn chi trên
- Không thể chuyển động khớp theo phạm vi chuyển động bình thường
- Chân tay cực kỳ yếu
- Trật khớp hoặc gãy xương có thể thấy rõ
Xử lý chấn thương cấp tính nhẹ
R.I.C.E là từ viết tắt mà rất nhiều huấn luyện viên và vận động viên thể thao áp dụng trong việc điều trị chấn thương cấp tính mức độ nhẹ. Đây là viết tắt của các từ Rest (nghỉ ngơi), Ice (đá), Compress (nẹp) và Elevate (nâng cao).
Nghỉ ngơi (Rest) là một trong những cách hiệu quả nhất để bắt đầu quá trình hồi phục. Vùng cơ thể bị thương sẽ rất yếu ớt và dễ gặp phải những tổn thương khác, đặc biệt là trong những giờ đầu, vì thế hãy nghỉ ngơi để vết thương có thể lành lại.
Hãy sử dụng một túi đá nghiền để chườm vết thương. Chườm đá vào vùng viết thương sẽ đạt hiệu quả cao nhất trong hai ngày đầu tiên kể từ khi xảy ra chấn thương. Cách này sẽ giúp giảm đau và giảm sưng. Bọc đá vào trong một miếng vải hoặc một chiếc khăn trước khi áp lên vùng vết thương. Mỗi lần chườm đá, giữ nguyên trong khoảng từ 15 - 20 phút và cho để cho da trở về nhiệt độ bình thường giữa mỗi lần chườm.
Nẹp vùng chấn thương bằng băng vết thương co giãn để ngăn dịch tích tụ bên trong gây sưng tấy. Băng vết thương phải chắc chắn nhưng không được quá chặt vì điều này có thể gây ra cảm giác khó chịu hoặc ngăn cản máu lưu thông.
Cuối cùng, hãy nâng vết thương lên cao quá tim. Cách này sẽ cho phép dịch chảy ra khỏi vùng bị thương, hạn chế tối đa sưng tấy. Nếu bạn không thể nâng vết thương lên cao quá tim, hãy cố gắng để vùng bị thương cao ngang bằng tim hoặc gần với tim. Nếu bạn bị chấn thương ở hông hoặc ở mông, hãy kê một hoặc hai chiếc gối dưới mông và vùng lưng dưới để nâng vết thương cao lên.
Tiếp tục áp dụng biện pháp R.I.C.E trong 2 - 3 ngày đầu. Sau đó, bạn có thể thay đá bằng các túi chườm nóng. Chườm nóng sẽ giúp tăng cường tuần máu tới vùng bị thương, vận chuyển oxy và các dưỡng chất tới để hỗ trợ quá trình hồi phục.
Khi đã giảm sưng, bạn có thể tháo băng và bắt đầu tập những bài tập nhẹ nhàng cho vùng bị thương. Bắt đầu từ từ những động tác duỗi nhẹ, hãy cẩn thận đừng để bị đau. Tiếp tục giãn cơ và dưỡng thương trong vài tuần đầu tiên cho tới khi bạn cảm thấy thoải mái khi vận động và luyện tập như bình thường.
Xử lý chấn thương mãn tính
Đối với chấn thương mãn tính, bạn vẫn có thể áp dụng 2 phương pháp chữa trị đầu tiên (Nghỉ ngơi và chườm đá). Nhưng hầu hết các chấn thương mãn tính chỉ có thể được giải quyết bằng cách sử dụng thuốc và tham gia vật lý trị liệu.
Trước mắt, các loại thuốc chống viêm sẽ giúp điều trị cơn đau nhức và viêm tấy liên quan tới chấn thương. Tuy nhiên, về lâu dài, bác sĩ thăm khám cho bạn sẽ đưa bạn tới gặp bác sĩ vật lý trị liệu để tập một số bài tập duỗi nhẹ và rèn luyện cơ thể.
Ngăn chặn chấn thương xảy ra là khía cạnh quan trọng nhất trong việc xử lý các chấn thương do quá tải. Đa số các chấn thương này đều liên quan tới tình trạng mỏi cơ do thiếu sức khỏe hoặc sức bền. Kết quả là, cơ sẽ thắt chặt và có thể bị tổn thương cấu trúc, sau đó là co thắt và rút ngắn cơ. Điều này trực tiếp dẫn tới tình trạng suy yếu cơ, do vậy chấn thương có thể bị tái phát dễ dàng. Chấn thương do quá tải sẽ tiếp tục tái phát cho tới khi được can thiệp điều trị tích cực.
Một số biện pháp đơn giản giúp bạn phòng tránh chấn thương do quá tải đó là: sử dụng trang bị phù hợp, khởi động làm nóng người và giãn cơ sau khi tập, không tập luyện quá sức.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Đối với chấn thương cấp tính
Nếu bạn nghĩ rằng chấn thương của mình rất nghiêm trọng, hãy đến thẳng khoa cấp cứu. Những triệu chứng sau có thể là dấu hiệu cho biết rằng bạn cần được chăm sóc y tế chuyên nghiệp:
- Sưng và đau nghiêm trọng
- Biến dạng rõ ràng, chẳng hạn như nổi cục u lớn hoặc chân, tay bị trẹo thành các tư thế kỳ lạ
- Nghe thấy âm thanh bục hoặc có tiếng kêu lạo rạo khi vận động vùng bị thương
- Vùng cơ thể bị thương không thể trụ hoặc tỳ vào
- Khớp không hoạt động được
- Khó thở
- Chóng mặt
- Sốt
Đối với chấn thương mãn tính
Nhiều chấn thương do quá tải xảy ra theo thời gian và thường ít có biểu hiện. Điều này có thể dẫn tới sự chậm trễ trong việc chẩn đoán và điều trị, đồng thời sẽ dẫn tới những chấn thương nghiêm trọng hơn hoặc tàn tật.
Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu chấn thương tuy nhỏ nhưng lại không cải thiện khi điều trị tại nhà. Những tình trạng gây ảnh hưởng tới việc tập luyện hoặc vận động chưa được chẩn đoán hay điều trị cũng là một dấu hiệu cho bạn biết bạn cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Nếu xuất hiện tình trạng sưng, biến màu, bầm tím rõ hoặc đau dữ dội sau vài tuần đầu bị thương, bạn nên được điều trị y tế.
Bài viết được duyệt bởi Tiến sĩ Tan Chyn Hong, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena